Cổ phiếu Phố Wall giảm 1% trước khi Fed công bố lãi suất mới

Các nhà đầu tư Phố Wall tiếp tục bán tháo trong phiên giao dịch ngày 20/9, chuẩn bị cho một đợt tăng lãi suất khác từ Cục Dự trữ Liên bang vào ngày 21/9.

Cổ phiếu Phố Wall đã giảm trong những tuần gần đây sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố sẽ tiếp tục kiềm lạm phát đến khi nào thành công mới thôi, và báo cáo CPI tháng 8 cho thấy chỉ số lạm phát cao hơn dự kiến.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 313,45 điểm, tương đương 1,01%, kết thúc ở mức 30.706,23. Chỉ số S & P 500 giảm 1,13% xuống còn 3.855,93 và chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,95% xuống còn 11.425,05.

Cổ phiếu Best Buy giảm 4,1%, Microsoft giảm 0,8%, Abbott giảm 1,7% và JPMorgan Chase đóng cửa thấp hơn 2%.

Cổ phiếu hãng xe Ford giảm 12,3%, gây ra sự sụt giảm lớn nhất trong chỉ số S&P 500 sau khi cắt giảm dự báo thu nhập quý III do thiếu linh kiện, ảnh hưởng đến sản xuất.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,56%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm ổn định ở mức 3,95%, dao động xung quanh mức cao nhất kể từ năm 2007.

Xu hướng thị trường - Cổ phiếu Phố Wall giảm 1% trước khi Fed công bố lãi suất mới

Các chỉ số chính đều giảm trong phiên giao dịch ngày 21/09. Ảnh: Investing

Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) đã bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày hôm 20/9. Fed dự kiến sẽ tăng tỷ lệ cho vay lên 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba tại cuộc họp vào ngày 21/9. Điều này có nghĩa là lãi suất sẽ tăng lên 3-3,25%, mức cao nhất trong 14 năm. 

Nếu mọi việc diễn ra đúng như dự kiến, cổ phiếu sẽ phục hồi, và nhiều nhà đầu tư sẽ thở phào nhẹ nhõm vì Fed không chọn tăng 1%, ông Paul Kim, Giám đốc điều hành của Simplify ETFS cho biết.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell khi công bố chính sách lãi suất mới nhất của Fed và trong cuộc họp báo buổi chiều 21/9, để xem liệu ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào việc giảm lạm phát hay đang chú ý nhiều hơn đến tác động của việc tăng lãi suất đối với nền kinh tế.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng bởi lạm phát hay các nỗ lực chống lại lạm phát.

Ngân hàng trung ương Thụy Điển hôm 20/9 đã tăng lãi suất cho vay thêm 1% lên 1,75% nhằm kiểm soát mức lạm 9% trong tháng 8.

Lạm phát tiêu dùng tháng 8 ở Nhật Bản đã tăng lên 3%, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 1991, nhưng vẫn thấp hơn con số hơn 8% ở Mỹ và Châu Âu. Ngân hàng trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày vào cuối tuần này. Các nhà phân tích dự đoán ngân hàng này vẫn tuân thủ chính sách tiền tệ siêu lỏng từ trước đó.

Thị trường chứng khoán châu Âu chủ yếu giảm, trong khi thị trường ở châu Á khá ổn định.

Giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giao tháng 10 giảm 1,28 USD xuống còn 84,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu giao tháng 11 giảm 1,38 USD xuống còn 90,62 USD/thùng.

Giá xăng bán buôn cho giao tháng 10 giảm 1 cent xuống còn 2,45 USD/gallon. Giá dầu sưởi tháng 10 tăng 6 cent lên 3,37 USD/gallon. Giá khí đốt giao tháng 10 giảm 3 cent xuống còn 7,72 USD/1.000 feet khối.

Giá vàng giao tháng 12 giảm 7,10 USD xuống còn 1.671,10/ounce. Giá bạc giao tháng 12 giảm 18 cent xuống còn 19,18 USD/ounce và giá đồng giao tháng 12 giảm 1 cent xuống còn 3,50 USD/pound.

Đồng USD tăng lên 143,68/Yên từ 143,29 Yên/USD. Đồng Euro giảm xuống còn 99,68/USD từ 1,0013/USD.

Nguyễn Tuyết (Theo AP, CNBC)