Làng nghề bánh đa Lộ Cương trụ vững trước thách thức của đô thị hóa

Bánh đa Lộ Cương nổi tiếng không chỉ trong tỉnh Hải Dương mà nhiều địa phương trong cả nước.

Làng bánh đa Lộ Cương, một trong những làng nghề lâu đời ở thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) mang đậm nét văn hóa đặc sắc của một không gian làng nghề Việt. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển và mở rộng mạnh mẽ của thành phố Hải Dương, làng nghề bánh đa Lộ Cương cũng có nhiều thay đổi với những hướng đi, cách làm phù hợp nhằm giữ gìn và phát huy nghề truyền thống.

4 giờ sáng, làng nghề bánh đa Lộ Cương đã rộn ràng một ngày mới. Tiếng máy xay bột, tráng bánh, tiếng máy sấy, máy cắt bánh hòa cùng tiếng cười nói xôn xao và những bước chân vội vã của những người thợ trong không khí làm việc hối hả. Gạo đã ngâm trước đó khoảng 2 tiếng được xay thành bột mịn, qua máy tráng rồi theo dây chuyền lên buồng sấy. Từng phên bánh được dỡ xuống từ dàn sấy, chín đều và khô sẽ được cắt thành những sợi nhỏ.

Làng nghề bánh đa Lộ Cương trụ vững trước thách thức của đô thị hóa - Ảnh 1.

Các công đoạn làm bánh được tiến hành cẩn thận, tỷ mỷ. Đặc biệt, nhiệt độ khi tráng bánh phải cao thì bánh mới chín đều và phồng đẹp. (Ảnh: Linh Giang)


Gia đình chị Phạm Thị Triển là một trong những hộ ở thôn Lộ Cương A sản xuất bánh đa theo dây chuyền khép kín. Với hệ thống liên hoàn từ máy xay bột đến máy cắt bánh, đặc biệt là buồng sấy gồm 17 dàn sấy, mỗi ngày cơ sở sản xuất của chị Phạm Thị Triển đưa ra thị trường từ 2 - 3 tấn bánh đa.

“Ngày trước làm thủ công, tráng bằng nồi, sau mới tráng máy, cách đây 2 năm mới ra máy liên hoàn. Nhà tôi giao tại nhà, người ta mang đi khắp nơi để phân phối cho các quán lẻ, về cuốn thành con sò hay bắt thành con gập. Trước chỉ bán loanh quanh ở địa phương nhưng bây giờ mở rộng thị trường, hàng bán tận miền Nam”.

Phường Tứ Minh có 140 hộ ở 2 thôn Lộ Cương A và Lộ Cương B đang duy trì nghề truyền thống làm bánh đa. Ngoài khoảng chục cơ sở đầu tư hệ thống máy liên hoàn, các gia đình còn lại vẫn duy trì phương thức bán thủ công. Sau khi xay bột và tráng bánh bằng máy thì đem phơi nắng rồi cắt bằng tay. Nhưng dù sản xuất theo cách nào thì bánh đa Lộ Cương vẫn nổi tiếng thơm ngon: sợi bánh mỏng, mềm, dai và gần như trong suốt. Bánh khi chần qua nước sôi có độ kết dính vừa phải, không bị rời cũng không vón thành tảng và vị ngọt đậm đà, đặc trưng của gạo.

Chị Vũ Thị Xúy ở thôn Lộ Cương A tiết lộ bí quyết tạo nên những sợi bánh ngon nức tiếng: “Bột phải tơ, sờ lúc nào cũng dính tay thì nấu bánh mới ngon. Từ trước tới nay, mình làm ra sản phẩm đều phải biết "băm" cối, bột đẹp thì nấu mới không bị nát. Khi tráng bánh, lò hơi phải đẫy lửa thì bánh ra mới chín đều, phồng và dai”.

Bánh đa Lộ Cương nổi tiếng không chỉ trong tỉnh Hải Dương mà nhiều địa phương trong cả nước. Năm 2006, Lộ Cương được công nhận làng nghề truyền thống và đến năm 2018, thành phố Hải Dương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương xây dựng nhãn hiệu tập thể Bánh đa Lộ Cương và triển khai hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại Làng nghề bánh đa Lộ Cương.

Làng nghề bánh đa Lộ Cương trụ vững trước thách thức của đô thị hóa - Ảnh 2.

Năm 2018, thành phố Hải Dương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương xây dựng nhãn hiệu tập thể Bánh đa Lộ Cương. (Ảnh: Linh Giang)


Cùng với sự phát triển, mở rộng thị trường, làng nghề bánh đa Lộ Cương cũng giống như nhiều làng nghề truyền thống khác đang đứng trước những thách thức của đô thị hóa. Chỉ còn ít ngày nữa, thành phố Hải Dương mở rộng sẽ chính thức được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Hải Dương.

Theo ông Phan Quý Thanh, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Kinh tế (thành phố Hải Dương), đây là cơ hội cho thành phố phát triển, đồng thời cũng đặt ra nhiều yêu cầu đối với sự bảo tồn và phát triển các làng nghề của thành phố.

“Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung cho sản xuất thương mại, cung ứng dịch vụ để phát triển. Hàng năm, thành phố phối hợp với Ngân hàng Chính sách, trích từ 300 – 500 triệu đồng, cùng với ngân hàng Chính sách, cho các hộ sản xuất bánh đa và nghề mộc vay để giúp các hộ sản xuất phát triển. Thành phố cũng quan tâm đến xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết ô nhiễm môi trường trong các làng nghề”, ông Thanh nói.

Làng nghề bánh đa Lộ Cương hôm nay có nhiều ngôi nhà cao tầng hiện đại, những con đường bê tông và hệ thống thoát nước kiên cố nhưng vẫn mang nét đẹp của làng nghề truyền thống trong không gian văn hóa Việt. Không chỉ quan tâm, hỗ trợ sản xuất cho bà con, thời gian tới, tỉnh Hải Dương còn đẩy mạnh phát triển làng nghề bánh đa Lộ Cương gắn với phát triển du lịch, mời du khách tham gia từng công đoạn sản xuất bánh đa...

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Hải Dương cho biết: “Đối với những làng nghề truyền thống, Hải Dương có nhiều rồi, bây giờ muốn đưa vào khai thác du lịch. Muốn trở thành một điểm du lịch thì phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương và Sở Công Thương, để làm sao có tour du lịch khai thác làng nghề trong thời gian tới. Nếu mở được tour du lịch làng nghề thì sẽ rất hấp dẫn du khách vì họ sẽ có cơ hội xem các làng nghề truyền thống hoạt động thế nào và cũng góp phần quảng bá thương hiệu làng nghề thông qua du lịch”.

Áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất và xử lý môi trường, đưa Lộ Cương thành điểm du lịch hấp dẫn không chỉ giúp bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề bánh đa Lộ Cương mà còn góp phần thay đổi, tạo diện mạo mới của đô thị Hải Dương văn minh, hiện đại và mang đậm văn hóa truyền thống.

Theo Thanh Nga

VOV