Ngày 20/7/2024, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII phối hợp cùng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM tổ chức tọa đàm chủ đề “Bức tranh Blockchain & AI toàn cầu: Những ứng dụng trong ngành Y” với hơn 400 sinh viên và giảng viên tham dự.
Mở đầu chương trình, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABAII đã chia sẻ những góc nhìn và thông tin mới nhất về cách AI đang thay đổi thế giới. Theo ông Thành, AI hiện đang có những bước tiến vô cùng mạnh mẽ, tác động lớn đến không chỉ một mà toàn bộ các lĩnh vực như kinh tế, y tế, văn hóa, giáo dục,... “Tốc độ phát triển như vũ bão của AI, mặc dù đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết như vấn đề đạo đức hay việc quản trị các rủi ro về bảo mật dữ liệu nhưng tựu chung, AI vẫn là một công cụ tiến bộ, một người đồng hành đáng quý của các bạn sinh viên nói chung và sinh viên trường Y nói riêng và các y bác sĩ trong tương lai.”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành cho biết, nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard chỉ ra việc sử dụng AI để chẩn đoán có thể giảm chi phí điều trị tới 50%, đồng thời cải thiện kết quả sức khỏe lên đến 40%. Còn theo Đại học Hawaii, việc triển khai công nghệ AI học sâu cải thiện tính chính xác của việc dự đoán nguy cơ ung thư vú vì thuật toán AI được huấn luyện trên kho dữ liệu hàng triệu hình ảnh, vượt xa so với khả năng nghiên cứu và tiếp nhận của các bác sĩ X-quang. Đặc biệt, các cơ sở y tế có thể tái sử dụng thuật toán mà không tốn thêm chi phí, trừ phần cứng.
Chia sẻ về Bức tranh toàn cảnh Blockchain và những ứng dụng nổi bật trong học tập và nghiên cứu y khoa, ông Trần Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh vai trò và các tác động thực tế mà công nghệ này đã và đang thay đổi lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe trên phạm vi toàn cầu.
Theo ông Trần Dinh, “Đối với ngành Y tế, công nghệ Blockchain được ứng dụng trong nhiều hoạt động như quản lý hồ sơ sức khỏe, theo dõi và quản lý chuỗi cung ứng thuốc, bảo hiểm y tế điện tử, chia sẻ và lưu trữ dữ liệu nghiên cứu y tế,… Báo cáo của Grand View Research cho thấy quy mô thị trường chăm sóc sức khỏe ứng dụng công nghệ Blockchain ước đạt hơn 7 tỷ USD vào năm 2023 nhưng sẽ liên tục tăng trưởng kép 63,3% kể từ năm 2024 và sẽ đạt mốc hơn 215 tỷ USD vào năm 2030”.
Tiếp nối chương trình, phần thảo luận của các chuyên gia về chủ đề ứng dụng Blockchain và AI trong ngành Y, đặc biệt là các vấn đề đạo đức thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khán giả với các câu hỏi hóc búa và sôi động từ chính các bạn sinh viên tham dự trực tiếp chương trình.
Phiên thảo luận tại sự kiện
Mở đầu phiên thảo luận, PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường, Trưởng Khoa Y, Trưởng Bộ môn Nội tổng quát Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã chia sẻ về các tác động tích cực mà AI và Blockchain có thể mang đến cho ngành Y như quản lý hồ sơ bệnh án, kiểm soát nguồn gốc thuốc và quá trình lưu hành cũng như các rào cản về hạ tầng công nghệ, nhận thức, hành lang pháp lý trong việc ứng dụng 2 công nghệ này vào thực tiễn ngành Y tại Việt Nam. Cũng theo PGS Khánh Tường, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch rất quan tâm tới việc ứng dụng Blockchain và AI trong ngành y và cũng đang nghiên cứu để triển khai những chương trình đào tạo phù hợp cho các bạn sinh viên có thêm kiến thức và kỹ năng trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
PGS. TS Trần Mạnh Huy, Phó Viện trưởng Viện ABAII, Giám đốc Vận hành Công ty Rainscales mang đến buổi thảo luận những ví dụ điển hình trong việc ứng dụng công nghệ AI để cải tiến quá trình chẩn đoán và chăm sóc bệnh nhân. Đơn cử như eMagicEyes, một nền tảng AI tiên tiến dành cho lĩnh vực y tế và an toàn cuộc sống, kết hợp trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính và được Rainscales phát triển với sự hỗ trợ từ các chuyên gia hàng đầu từ Hoa Kỳ. Hệ thống này cung cấp khả năng phát hiện và phân tích chuyển động, giúp cải thiện chăm sóc bệnh nhân, đảm bảo an toàn cho y bác sĩ và nâng cao hiệu quả quản lý.
Theo PGS. TS. Huy, “Việc đưa AI vào những công việc cần tính chuyên môn cao như nghiên cứu thuốc hay xử lý phẫu thuật y khoa có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc từ sai sót máy móc. Vì vậy nên dù có tiềm năng rất lớn, nhưng khi đối diện với những ngành nghề như Y - Dược, việc ứng dụng AI đòi hỏi sự thận trọng và kiểm soát nghiêm ngặt từ các bên có thẩm quyền”.
Ông Lê Anh Quốc, Giám đốc phát triển kinh doanh CTCP Web3 Alpha True tham dự chương trình với vai trò một cựu sinh viên của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ về quyết định chuyển hướng sang Blockchain - một lĩnh vực tưởng chừng khô khan nhưng lại rất cuốn hút. Cũng theo ông Quốc, việc ứng dụng Blockchain trong y tế so với các ngành khác sẽ có nhiều điểm khác biệt căn bản như bảo mật, quyền truy cập dữ liệu, quy định pháp lý và quy tắc đạo đức.
Đồng quan điểm ủng hộ thái độ tích cực tiếp nhận những sự thay đổi mà công nghệ mang lại, bà Lê Vũ Hương Quỳnh, Giám đốc Phát triển thị trường Việt Nam, Tether nhắn nhủ các bạn sinh viên “hãy coi AI như một người bạn đồng hành, không phải đối thủ cạnh tranh”. Bà Quỳnh cũng chia sẻ việc Tether mới đầu tư 200 triệu USD vào BlackRock Neurotech - một công ty đang phát triển công nghệ giao diện não - máy tính (BCI), cho thấy mức độ quan tâm của các công ty công nghệ đối với lĩnh vực AI trong ngành y học là rất lớn.
Tọa đàm “Bức tranh Blockchain & AI toàn cầu: Những ứng dụng trong ngành Y” là hội thảo thứ 8 trong chuỗi chương trình Unitour - phổ cập blockchain và AI - tại các trường Đại học trên cả nước mà Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII đang tích cực triển khai cùng với các dự án xã hội khác như ứng dụng trợ lý pháp lý miễn phí “AI tra cứu luật”, chương trình truy vết các dự án có dấu hiệu lừa đảo Chain Tracer và các chuỗi hội thảo chuyên sâu về Fintech, Tài sản thực được token hóa (RWA), Tài chính phi tập trung (Defi), Mạng xã hội phi tập trung (Socialfi), Cơ sở hạ tầng phi tập trung (DePIN),...
Anh Hào
Link nội dung: https://saigoneconomy.net/tri-tue-nhan-tao-ban-dong-hanh-quy-gia-cua-cac-y-bac-si-tuong-lai-a180915.html