Ngày 18/9/2024, gần 500 sinh viên Trường Đại học Văn Lang đã tham dự hội thảo “Blockchain và AI tái định hình thị trường việc làm - Thách thức và cơ hội bứt phá sự nghiệp” do Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức. Sự kiện quy tụ các chuyên gia hàng đầu nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc về tác động của Blockchain và AI đối với thị trường lao động trong kỷ nguyên số.
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Mai, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh và Viện trưởng Viện Sau Đại học, Trường Đại học Văn Lang nhấn mạnh “Là một trong những trường đại học tiên phong trong việc áp dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực giáo dục từ năm 2021, Trường Đại học Văn Lang chúng tôi nhận thấy rằng Công nghệ Blockchain và AI không chỉ là một xu hướng ngắn hạn mà còn là động lực tái định hình thị trường việc làm và các mô hình kinh doanh. Sinh viên ngày nay không chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải thành thạo các công cụ công nghệ để thích ứng và phát triển sự nghiệp.”
Các vị khách mời chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm
Chia sẻ về Chiến lược cho thế hệ AI để thích nghi và phát triển, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABAII cho biết hiện có đến 75% người lao động đang sử dụng AI tại nơi làm việc. Trong các lĩnh vực như tài chính và marketing, Generative AI đã giúp doanh nghiệp trên toàn cầu tiết kiệm đến 4.000 tỷ USD/năm, đồng thời nâng cao hiệu suất làm việc đáng kể. Mặc dù có những lo ngại về việc AI có thể ảnh hưởng tới một số công việc hiện tại, ông Thành cho biết AI là cơ hội để người lao động nâng cao kỹ năng và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.
Về khía cạnh pháp lý, Luật sư Đào Tiến Phong, Luật sư điều hành Công ty Luật InvestPush Legal và Chuyên gia pháp lý của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đề cao việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư trong ứng dụng AI và Blockchain như Nghị định 13/2023/NĐ-CP do Chính phủ ban hành về Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân có hiệu lực từ 1/7/2023.
Trên phương diện ứng dụng, ông Hàng Minh Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech VBA khuyến khích sinh viên khai thác tiềm năng của AI để tối ưu hóa hồ sơ cá nhân và phát triển các dự án sáng tạo. Ông Lợi chia sẻ thêm: “Các công cụ như ChatGPT và Perplexity AI có thể giúp sinh viên nâng cao khả năng phân tích, cải thiện chất lượng nội dung, và tăng sự tự tin trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Bên cạnh đó, AI còn hỗ trợ sinh viên tối ưu hóa CV, phát triển kỹ năng viết chuyên nghiệp, và tìm kiếm thông tin ngành nghề hiệu quả.” Ông Lợi tin rằng việc làm chủ công nghệ AI từ sớm sẽ giúp sinh viên có lợi thế cạnh tranh vượt trội, phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề - những yếu tố then chốt để thành công trong thời đại số này.
Trong phiên thảo luận tiếp sau đó với chủ đề “Blockchain và AI tái định hình thị trường việc làm: Thách thức và cơ hội bứt phá sự nghiệp”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích đối với các bạn sinh viên, đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố trách nhiệm đạo đức khi sử dụng AI trong học tập và làm việc.
Theo ông Trần Cường, Nhà sáng lập K300 Ventures, sự bùng nổ của Blockchain và AI là cơ hội lý tưởng để sinh viên khởi nghiệp và xây dựng sự nghiệp lâu dài. Ông cũng cho biết, với mức lương có thể lên đến 800 triệu đồng mỗi năm cho kỹ sư Blockchain và tới hàng tỷ đồng cho kỹ sư AI và Machine Learning cấp cao, tiềm năng trong các lĩnh vực công nghệ này là vô cùng lớn, mở ra nhiều hướng đi đầy hứa hẹn cho người trẻ.
Ông Lê Anh Quốc (Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty AlphaTrue), và ông Hoàng Hải (Giám đốc Vận hành HoldStation) đồng quan điểm rằng Blockchain và AI đang không chỉ thay đổi hiện thực của các ngành nghề hiện tại mà còn tạo ra những cơ hội đột phá như cách mạng hóa giao dịch và quản lý tài sản, tối ưu hóa phân tích rủi ro và dự đoán thị trường, thúc đẩy nghiên cứu thuốc cá nhân hóa hay quản lý dữ liệu bệnh nhân an toàn hơn,...
Ngoài các thông tin cập nhật về ngành Blockchain và AI, cơ hội nghề nghiệp mới, các bạn sinh viên tham dự chương trình còn được nhận nhiều phần quà hấp dẫn từ Masterteck - Nền tảng học tập số 1 Việt Nam về Blockchain và AI - để chủ động học hơn 300 khóa học về Blockchain, AI và có cơ hội nhận chứng chỉ quốc tế từ CompTIA, EC-Council, PECB và chứng chỉ NFT của Viện ABAII do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép.
Tọa đàm “Blockchain và AI tái định hình thị trường việc làm - Thách thức và cơ hội bứt phá sự nghiệp” tại trường Đại học Văn Lang là chương trình thứ 10 trong chuỗi Unitour - phổ cập Blockchain và AI tại các trường Đại học trên cả nước, do Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII và Hiệp hội Blockchain Việt Nam triển khai từ tháng 3/2024. Trước đó, chương trình đã được tổ chức tại 9 trường Đại học uy tín trên cả nước: Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Luật TPHCM (UL), Đại học FPT Cần Thơ, Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (DAU), Học viện Ngân hàng (BA), và Học viện Bưu chính Viễn thông (PTIT). Unitour là một trong số các dự án xã hội mà ABAII và VBA đang tích cực triển khai để phổ cập Blockchain, AI, giúp nâng cao năng lực lao động trẻ, tối ưu quy trình cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động đa dạng như MasterTeck - Nền tảng học trực tuyến số 1 Việt Nam về Blockchain và AI, Trợ lý pháp lý miễn phí “AI tra cứu luật”, chương trình truy vết các dự án có dấu hiệu lừa đảo Chain Tracer, chuỗi hội thảo chuyên sâu về Fintech, tài sản thực được token hóa (RWA), Tài chính phi tập trung (Defi),… |
Trung Việt
Link nội dung: https://saigoneconomy.net/blockchain-va-ai-mo-canh-cua-moi-cho-thi-truong-viec-lam-tuong-lai-a188256.html