ĐƯỜNG THÁI HẾT CỬA SAU QUYẾT ĐỊNH ÁP THUẾ

Thành quả trực quan nhất sau khi áp thuế phòng vệ thương mại tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đó là lượng đường nhập khẩu từ nước này đã giảm cách đáng kinh ngạc: Trong năm 2020, lượng nhập khẩu xấp xỉ 1,3 triệu tấn, nghĩa là trung bình mỗi tháng ở ngưỡng hơn 100,000 tấn, thế nhưng từ ngày 15/2 đến 2/3/2021 lượng đường nhập từ Thái Lan chỉ còn 25,000 tấn.

Bức tranh nhập khẩu đường 2020/2021: Mất cân đối trầm trọng

Thời điểm Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết ATIGA gỡ bỏ hàng rào thuế quan cho các nước ASEAN cũng cùng lúc với sự bùng nổ dịch COVID-19 trên toàn cầu. Điều này dẫn tới một nghịch lý: Trong khi các đối tác thân quen của Thái Lan như Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc đều đồng loạt giảm lượng đường mía nhập khẩu từ nước này trong năm 2020 vì khủng hoảng dịch bệnh thì Việt Nam lại là ngoại lệ duy nhất. Báo cáo mới nhất của S&P Global Platts cho thấy tổng lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan của Việt Nam đã vọt lên gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Vì không thể xuất khẩu sang các quốc gia khác, đường Thái đã được bán phá giá ồ ạt vào Việt Nam

Hệ quả tất yếu khi đường ngoại tràn vào thị trường với mức giá rẻ hơn cả chi phí sản xuất trong nước là chuỗi giá trị bị chèn ép trầm trọng, từ đó, ảnh hưởng lên doanh nghiệp sản xuất đường. Họ buộc phải giảm chi phí đầu vào để có giá thành cạnh tranh hơn với đường Thái vốn được chính phủ trợ giá, và cả đường nhập lậu. Giá thu mua mía nguyên liệu giảm lại đè nặng lên cuộc sống nông dân, nhiều hộ bỏ nghề khiến diện tích trồng mía thu hẹp. Để giúp mía đường nội thoát cảnh “bị động” trên chính sân nhà cũng như đảm bảo thế cạnh tranh công bằng, ngày 9/2/2021 BCT đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Đường Thái nhập khẩu không còn “đất” vẫy vùng

Trước khi thuế được thực thi, sự chênh lệch tỷ trọng giữa hai chủng loại đường nhập khẩu hết sức rõ ràng. Tính tới tháng 10/2020, tổng lượng đường trắng và đường tinh luyện nhập vào nước ta là 670 ngàn tấn, lớn hơn lượng đường thô gần 30% dù giá bán của đường thô luôn thấp hơn 50 - 100 USD/tấn tuỳ nước xuất và tuỳ thời điểm. Với mức thuế nhập khẩu “cào bằng” 5% trước đó, lẽ dĩ nhiên các doanh nghiệp thực phẩm cùng nhà phân phối sẽ lựa chọn đường tinh luyện để tiết kiệm chi phí. Điều này trực tiếp gây bất lợi cho những doanh nghiệp sản xuất đường tinh luyện trong nước.

Ở góc độ quốc gia, việc đánh thuế đường thô thấp hơn khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài ưu tiên xuất đường thô vào Việt Nam, từ đấy góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho ngân sách nhà nước. Chính phủ cũng sẽ có thêm nguồn thu từ những khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp khi các nhà máy đường nhập nguyên liệu thô về để sản xuất đường tinh luyện. Không chỉ thế, sự vực dậy của ngành mía đường sẽ còn kéo theo những ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất bao bì tái chế từ bã mía, than, phân bón nông nghiệp, nguyên phụ liệu,... cùng phát triển, cung cấp thêm công ăn việc làm cho người dân.

Nhìn từ phía doanh nghiệp sản xuất, đây là bước đi phù hợp với năng lực sản xuất thực tế trong nước khi mà vùng trồng mía chưa cung ứng đủ cho nhà máy. Nhập khẩu thêm đường thô để cân đối với lượng cung mía nguyên liệu thiếu hụt sẽ vừa duy trì được hoạt động, đảm bảo nguồn cung cho thị trường, vừa giúp doanh nghiệp và nhà nông có thêm thời gian đầu tư cơ giới, cải thiện năng suất.

Từ phía nông dân, việc áp thuế cao với đường tinh luyện sẽ giúp giá đường trong nước tăng, từ đó làm tăng giá thu mua mía, người nông dân có thu nhập tốt để tiếp tục đầu tư phát triển cho cây mía. Đồng thời, mức thuế vừa phải với đường thô cũng là giải pháp hiệu quả nhằm giảm sức ép thiếu nguyên liệu đầu vào của các nhà máy sản xuất đường, hạn chế tình trạng tranh mua tranh bán mía khiến cho ngành nông nghiệp trồng mía thiếu ổn định và bền vững.

Thành quả trực quan nhất sau khi áp thuế phòng vệ thương mại tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đó là lượng đường nhập khẩu từ nước này đã giảm cách đáng kinh ngạc: Trong năm 2020, lượng nhập khẩu xấp xỉ 1,3 triệu tấn, nghĩa là trung bình mỗi tháng ở ngưỡng hơn 100,000 tấn, thế nhưng từ ngày 15/2 đến 2/3/2021 lượng đường nhập từ Thái Lan chỉ còn 25,000 tấn. Với tín hiệu hết sức tích cực này, 2021 sẽ là năm “bản lề” để ngành mía đường Việt Nam lấy sức bật xa trong tương lai.

Và cuối cùng, những diễn tiến cạnh tranh lành mạnh giữa đường nội và đường ngoại nhập sẽ thúc đẩy nông dân và hợp tác xã trồng mía không được ỷ lại vào sự bảo vệ của nhà nước; họ sẽ tiếp tục cải thiện công nghệ và kỹ thuật canh tác nhằm tạo ra giá trị kinh tế lớn hơn, từ đó, thương hiệu cây mía nước nhà sẽ được nâng cao, không chỉ giữ vững chỗ đứng trên sân nhà mà còn vươn ra quốc tế.

 

Đức Tân

Link nội dung: https://saigoneconomy.net/duong-thai-het-cua-sau-quyet-dinh-ap-thue-a19198.html