Lộ diện ‘khách sộp’ chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu rau quả Việt Nam

Tín hiệu tốt từ thị trường xuất khẩu trong những tháng cuối năm cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt tới 7,2 tỷ USD, trong đó Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất về xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Thị trường rộng mở

Việt Nam đang chứng kiến bước ngoặt lớn đối với ngành xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả. Tính đến tháng 11, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 6,6 tỷ USD (tăng 27% so với cùng kỳ và cao hơn 900 triệu USD so với cả năm 2023).

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với các thế mạnh về sản xuất rau quả và sự chào đón của thị trường quốc tế, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt 7,2 tỷ USD, vượt xa so với chỉ tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề ra trong năm nay là 6 - 6,5 tỷ USD.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất về xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tính đến cuối tháng 10, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 66,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam (tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2023). Hiện 12 loại trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, tổng kim ngạch năm nay được dự báo đạt khoảng 4,5 tỷ USD.

Lộ diện ‘khách sộp’ chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu rau quả Việt Nam- Ảnh 1.

Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc (ảnh: Dương Hưng).

Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam có 5.840 vùng trồng trái cây đã được các nước nhập khẩu cấp mã số xuất khẩu, trong đó Trung Quốc chiếm 40,2% với 2.350 vùng trồng trái cây của nước ta được cấp mã số xuất khẩu.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 10 năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ ước đạt gần 287 triệu USD, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ sau Trung Quốc. Nhiều sản phẩm trái cây, rau củ của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường này như dừa tươi, chanh leo...

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường lớn khác như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Australia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất… đều ghi nhận sự tăng trưởng khả quan.

Với thị trường Úc, trong tháng 10, hơn 1,5 tấn chanh leo đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường này, mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng rau quả Việt Nam vào thị trường được đánh giá là khó tính nhất thế giới.

Nhiều mặt hàng mang giá trị khác biệt

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), Việt Nam là một nước nhiệt đới với nhiều loại rau quả mang đặc trưng của vùng miền mà nơi khác không có được.

Việc rau quả Việt Nam đạt được kim ngạch kỷ lục phần lớn là nhờ xuất khẩu sầu riêng. Tính đến tháng 11, xuất khẩu sầu riêng chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, với giá trị 3,1 tỷ USD, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyên kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt tới 3,5 tỷ USD trước khi kết thúc năm, khẳng định vị thế của loại trái cây này trên thị trường toàn cầu.

Lộ diện ‘khách sộp’ chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu rau quả Việt Nam- Ảnh 2.

Chuối Việt Nam cũng đang “làm trùm” trên thị trường Trung Quốc (ảnh: Dân Việt).

Được biết, ngoài sầu riêng thì chuối Việt Nam cũng đang “làm trùm” trên thị trường Trung Quốc. Ông Nguyên khẳng định, chuối Việt Nam với chất lượng cao, giá thành rẻ được chào đón trên thị trường tỷ dân và gần như độc chiếm thị trường này. Điều này đã giúp cho chuối trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu chuối trong 10 tháng đầu năm đạt 305 triệu USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, trong 10 tháng qua, còn có nhiều loại rau quả tăng mạnh về giá trị xuất khẩu như: Xuất khẩu nhãn đạt 55 triệu USD, tăng 375 % so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu hạnh nhân đạt 26 triệu USD, tăng 183% so với cùng kỳ năm ngoái, cau đạt 34 triệu USD, tăng 120 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nguyên, nhờ vào việc không ngừng nâng cao chất lượng và sản lượng nên các loại rau quả Việt Nam đã chiếm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Ông Nguyên khuyến cáo bà con bên cạnh việc nâng cao sản lượng cũng phải cố gắng làm sao giữ vững được chất lượng: “Nếu có chất lượng thì chúng ta không sợ không có chỗ bán hàng".

Theo nhận định của chuyên gia, để khẳng định vị thế và tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu, Việt Nam cần tập trung xây dựng và quản lý tốt vùng trồng để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững và kiểm soát thu hoạch. Đồng thời cập nhật những yêu cầu kĩ thuật từ nhà nhập khẩu sẽ giúp rau quả Việt Nam thâm nhập được vào các thị trường lớn, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Link nội dung: https://saigoneconomy.net/lo-dien-khach-sop-chi-hon-4-ty-usd-nhap-khau-rau-qua-viet-nam-a197525.html