Người tiêu dùng bị tấn công bởi loạt chiêu mạo danh shipper lừa đảo

Nhiều người tiêu dùng phản ánh, họ bị lừa mất tiền oan bởi những người mạo danh là shipper với những thủ đoạn vô cùng tinh vi.

Nguyễn Văn T. (quê Nam Định), sinh sống và làm việc tại phường Thanh Nhàn (quận Hoàng Mai, Hà Nội) từng tự tin cho rằng mình “miễn nhiễm” với các kiểu lừa đảo trên mạng vì hay đọc báo, “hóng” biến nên không lạ gì những chiêu trò này. “Thậm chí là bạn thân gọi video vay tiền, tôi cũng phải gọi lại qua số điện thoại tôi lưu trong máy để xác nhận vì bây giờ kẻ lừa đảo có thể dùng deep fake (kỹ thuật thay thế chân dung người này bằng chân dung người khác) để giả dạng một cuộc gọi video” , T. nói.

Vậy mà mới đây, T, vẫn bị lừa mất hơn 500.000 đồng mà không biết kêu ai. Số là T. mới dọn về sống chung với vợ sắp cưới được khoảng hai tháng nay. Vợ anh có thói quen mua hàng online và thường xuyên đặt hàng ship về địa chỉ cơ quan của T. để anh lấy hàng và mang về nhà cho tiện.

Buổi chiều hôm đó, có hai cuộc điện thoại gọi đến trong vòng chưa đầy 30 phút với một câu nói giống nhau. “ Anh ơi anh có đơn shoppe, em gửi trong quầy bảo vệ nhé ”. Do không có mặt tại cơ quan nên T. đồng ý vì cho rằng đó là đồ vợ sắp cưới đặt mua và việc cũng thường diễn ra như cơm bữa.

Sau mỗi cuộc điện thoại là tin nhắn báo số tiền cần thanh toán và số tài khoản. T. không mảy may nghi ngờ và chuyển khoản tổng số tiền 549.000 đồng cho hai đơn hàng.

Nhưng chiều muộn cùng ngày, khi xuống quầy bảo vệ để lấy hàng thì T. bất ngờ không thấy hàng đâu. Lúc này, gọi lại số shipper nhưng anh không thể liên lạc được. Cảm thấy có điều bất ổn, anh gọi điện cho vợ sắp cưới hỏi lại thì được biết không đặt mua gì. Lúc bấy giờ, T. mới biết mình đã bị lừa.

Người tiêu dùng bị tấn công bởi loạt chiêu mạo danh shipper lừa đảo- Ảnh 1.

Người tiêu dùng bị tấn công bởi loạt chiêu mạo danh shipper lừa đảo. (Ảnh minh họa: VOV).

Một trường hợp tương tự xảy ra với chị Ngọc Lan (quận Đống Đa, Hà Nội). Khi đang làm việc, chị nhận được cuộc gọi từ một số lạ. Người gọi tự xưng là shipper và thông báo có đơn hàng trị giá 280.000 đồng mà chị đã đặt trên một sàn thương mại điện tử. Vì thói quen lướt mạng và mua sắm trên livestream, chị Ngọc Lan không nhớ rõ từng đơn hàng nhưng vẫn chuyển khoản sau khi shipper yêu cầu gấp gáp.

Sau khi hoàn tất chuyển khoản, shipper lại thông báo rằng chị đã chuyển nhầm vào tài khoản của một công ty bảo hiểm. Người này yêu cầu chị Lan chuyển lại số tiền nếu không muốn bị kích hoạt gói bảo hiểm trị giá 3 triệu đồng, đồng thời còn gửi một đường link để chị liên hệ với "trung tâm dịch vụ bảo hiểm", hủy gói bảo hiểm.

Thấy nghi ngờ, chị Ngọc Lan liên hệ với ngân hàng và được xác nhận rằng đây là một chiêu trò lừa đảo.

Chị Minh H. (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nhận được cuộc gọi từ một shipper thông báo có đơn hàng trị giá 400.000 đồng.

Chị H. cho biết, shipper liên tục nhắn tin và thúc giục chị chuyển khoản để họ kịp giao hàng. Nghĩ rằng đó là đơn hàng mình đã đặt, chị vội vàng chuyển tiền. Chỉ vài phút sau, shipper lại gọi yêu cầu chị truy cập đường link để được hỗ trợ hoàn tiền vì đã chuyển nhầm tài khoản.

Rất may là chị H. đã kịp tra cứu trên sàn thương mại điện tử nhưng không thấy đơn hàng nào. Khi liên hệ lại với shipper, số điện thoại của chị bị chặn và không thể liên lạc. Số tiền chị đã chuyển đi cũng không thể lấy lại.

" Điều đáng lo ngại là họ biết rất rõ tên, địa chỉ và số tiền đơn hàng của tôi, nói chuyện vô cùng chuyên nghiệp. Tôi không hiểu những thông tin cá nhân này bị lộ từ đâu ", chị H. bày tỏ sự lo ngại.

Một tình huống khác xảy ra với chị M.A. (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngày 12/10, chị nhận được điện thoại từ một người tự xưng là shipper, thông báo chị có đơn hàng trị giá 300.000 đồng cần thanh toán. Vì đang ở ngoài không thể nhận hàng, chị M.A. yêu cầu shipper giao vào ngày hôm sau, nhưng shipper xin được gửi hàng tại quầy bảo vệ vì "ngày mai đi tuyến đường khác".

Khoảng 10 phút sau, shipper gọi lại, giọng gần như khóc lóc, nói rằng mình đã cho nhầm số tài khoản - số đó để đăng ký làm nhân viên giao hàng tiết kiệm. Shipper nhờ chị M.A. gọi lên tổng đài để hủy, kẻo sẽ bị trừ mỗi tháng 3 triệu đồng vì họ có số tài khoản của chị, đồng thời hứa hẹn sẽ hoàn lại tiền sau khi chị đã gọi tổng đài.

Chị M.A. đã gọi theo số shipper cung cấp, được hướng dẫn truy cập vào trang web làm thủ tục. Tiếp theo, một nhân viên khác gọi lại, hướng dẫn chị về cơ chế hủy và hoàn tiền, rất chi tiết và phức tạp. Nhân viên này trấn an rằng, để lấy lại số tiền bồi hoàn từ công ty, chị cần thực hiện các thao tác theo hướng dẫn. Chị chia sẻ, lúc đó chị như bị "thao túng tâm lý", tin rằng mình đang được giúp đỡ và mất cảnh giác làm theo hướng dẫn.

" Ngay lập tức, tiền trong tài khoản của mình biến mất. Mọi người thường thắc mắc sao có thể dễ dàng bị lừa như vậy, nhưng kẻ lừa đảo rất tinh vi, giọng nói dễ nghe, tử tế, sử dụng các thuật ngữ như 'giao dịch tài chính công ty', 'bồi hoàn tiền từ công ty', 'cơ chế chi trả tự động'... khiến mình tin tưởng và làm theo ", chị M.A. chia sẻ.

Tinh vi hơn, khi chị phát hiện mất tiền, các đối tượng hứa hẹn sẽ báo cáo cấp trên xử lý và rằng "sếp" sẽ gọi cho chị. Chị M.A. tiếp tục gọi cho tổng đài nhưng cũng chỉ nhận được hứa hẹn tương tự. Sau một thời gian chờ đợi không thấy phản hồi, chị liên lạc lại thì số điện thoại đã bị khóa. Tất cả số tiền trong tài khoản của chị đã "không cánh mà bay".

Theo chị M.A., nhóm lừa đảo này có ít nhất 4 người phối hợp, từng bước dẫn dắt chị vào bẫy lừa. Trước đó, các đối tượng đã điều tra kỹ lưỡng thời gian chị không có mặt để nhận hàng và "tung chiêu" lừa bịp. "Nếu gặp phải tình huống như tôi, tôi e rằng phải đến 80% là bị lừa mất tiền. Nếu không kiểm soát được kiểu lừa đảo này thì sợ rằng còn nhiều người mất tiền nữa" , chị M.A. nói.

Theo cảnh báo của cơ quan công an, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều phương thức, từ việc tự xưng là shipper, yêu cầu chuyển tiền gấp, đến việc giả mạo tổng đài hỗ trợ khách hàng để đánh cắp thông tin và tiền bạc. Do đó, người tiêu dùng cần chú ý các bước sau để tránh bị lừa mất tiền:

1. Kiểm tra thông tin đơn hàng: Trước khi chuyển tiền cho shipper hoặc nhấp vào bất kỳ đường link nào, hãy kiểm tra kỹ thông tin đơn hàng trên sàn thương mại điện tử bạn đã mua. Đừng vội vàng tin vào lời nói của người lạ.

2. Tuyệt đối không chuyển tiền trước khi xác minh: Nếu nhận được yêu cầu chuyển tiền gấp, hãy cảnh giác và không nên chuyển tiền trước khi xác minh kỹ lưỡng.

3. Cẩn trọng với các đường link lạ: Đừng bao giờ nhấp vào các đường link không rõ nguồn gốc hoặc do người lạ gửi. Đây có thể là các đường link chứa mã độc hoặc trang web giả mạo nhằm lấy cắp thông tin cá nhân của bạn.

4. Báo ngay khi phát hiện dấu hiệu: Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu lừa đảo nào, hãy báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời.

5. Bảo mật thông tin cá nhân: Không chia sẻ thông tin cá nhân, số tài khoản, mã PIN hay bất kỳ thông tin nhạy cảm nào với người lạ.

Link nội dung: https://saigoneconomy.net/nguoi-tieu-dung-bi-tan-cong-boi-loat-chieu-mao-danh-shipper-lua-dao-a197887.html