Vào tháng 7/1983, một tờ báo ở New Delhi, Ấn Độ đã đăng một bài báo cáo buộc “các thí nghiệm của Mỹ” là nguyên nhân có thể gây ra một căn bệnh bí ẩn mới có tên là AIDS. 5 năm sau, người dẫn chương trình Dan Rather của CBS thông báo với hàng triệu người Mỹ rằng quân đội của họ dường như đứng sau sự xuất hiện của loại virus chết người.
Ngay trong ngày hôm đó, các đặc vụ KGB trong trụ sở bí mật Lubyanka ở Moscow có lẽ đã dành lời khen cho nhau vì đã hoàn thành tốt công việc.
Cuộc chiến thông tin
Câu chuyện về các thí nghiệm quân sự của Mỹ có thể đã tạo ra bệnh AIDS bắt đầu một cách âm ỉ nhưng sau đó đã truyền đi trên khắp lục địa châu Phi và lan rộng hơn như “một đám cháy rừng”.
“Các chuyên gia 'im lặng' trước căn bệnh AIDS do con người tạo ra", "AIDS là cuộc chiến của Chính phủ Mỹ chống lại người đồng tính và người da đen!" chỉ là một vài trong số vô số tiêu đề xuất hiện trên báo chí khắp thế giới, bao gồm cả tờ Daily Express có trụ sở tại London, từ năm 1983 đến năm 1987, trước khi nó xuất hiện trên truyền hình ở Mỹ.
“Một ấn phẩm quân sự của Liên Xô tuyên bố virus gây bệnh AIDS bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm của quân đội Mỹ đang tiến hành các thí nghiệm trong chiến tranh sinh học”, Dan Rather của kênh CBS thông báo vào ngày 30/3/1987, cho hàng triệu khán giả Mỹ, những người hầu như không có cách nào xác minh tính chính xác các báo cáo của Liên Xô.
Điểm mấu chốt tạo nên vụ bê bối tầm quốc tế này là một ấn phẩm địa phương ít được biết đến ở New Delhi, Ấn Độ. Đây là tờ báo đầu tiên đưa ra mối liên quan giữa Lầu Năm Góc với bệnh AIDS.
Vào mùa hè năm 1983, nhật báo Ấn Độ Patriot đưa tin, AIDS “được cho là kết quả của các thí nghiệm của Lầu Năm Góc nhằm phát triển vũ khí sinh học mới và nguy hiểm”.
Tờ báo cũng khẳng định căn bệnh này “chủ yếu tấn công những người nhập cư Haiti bên trong nước Mỹ, cũng như những người Mỹ nghiện ma túy và đồng tính luyến ái" – lời cáo buộc ngầm rằng "những người tạo ra" virus có chủ đích nhắm vào các nhóm người bị gạt ra ngoài lề trong cuộc thí nghiệm độc ác và vô nhân đạo của họ.
Theo tờ RBTH, hóa ra câu chuyện trên tờ Patriot đã được KGB gieo rắc.
Cục A
Các phòng ban thuộc Ban điều hành số 2 của KGB (chịu trách nhiệm về phản gián) được thành lập vào ngày 18/3/1954, được đánh dấu bằng các chữ cái khác nhau trong bảng chữ cái Cyrillic.
Chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái là A - được giao cho một bộ phận phân tích với sứ mệnh khác biệt, đó là chuẩn bị và tiến hành "các sáng kiến và chiến dịch bí mật nhằm tác động đến chính phủ và công chúng nước ngoài, cũng như định hình nhận thức của các cá nhân và nhóm thù địch theo hướng có lợi cho Liên Xô”.
Các đặc vụ ở Cục A đã gieo rắc những câu chuyện sai sự thật và theo dõi sự phát triển của chúng theo cách có lợi cho đất nước.
Ladislav Bittman - người trong giai đoạn sau của cuộc đời có tên là Lawrence Martin, từng là đặc vụ KGB tại Cục A trước khi đào tẩu sang Mỹ năm 1968. Bittman đã tham gia vào nhiều hoạt động bí mật của KGB.
Khi bắt đầu sự nghiệp, ông thành lập “một nhà thổ” ở Đức để thỏa hiệp với các chính trị gia và tung ra các tài liệu giả mạo của Đức Quốc xã để “khuấy động tình cảm chống Đức”.
Trong một trong những cuộc phỏng vấn cuối cùng trước khi qua đời vào năm 2018 ở tuổi 87, Bittman, đã không ngần ngại trước khi đưa ra một định nghĩa rõ ràng về cái gọi là “sai lệch thông tin” - nghề nghiệp và chuyên môn cả đời của ông.
“Đó là thông tin cố tình làm sai lệch bị rò rỉ vào các quá trình liên lạc để lừa gạt và thao túng”, Bittman mô tả.
Yuri Bezmenov, đồng nghiệp cũ của Bittman tại KGB, người cũng đào tẩu sang Mỹ năm 1970 và lấy tên là Tomas David Schuman, cũng tiết lộ nhiều bí mật.
Ảnh hưởng
Năm 1981, một số nhân viên từ bộ Ngoại giao Mỹ, CIA, FBI, bộ Quốc phòng và các cơ quan khác đã thành lập nhóm được gọi là Nhóm làm việc về các biện pháp tích cực (hay còn gọi là The Truth Squad – Biệt đội Sự thật) - một nhóm liên ngành có nhiệm vụ chống lại những thông tin sai lệch của Liên Xô.
Trong khi đó, câu chuyện về bệnh AIDS bắt đầu làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Các cáo buộc về việc căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài truyền bệnh AIDS cho một bộ phận dân cư địa phương đã làm suy yếu triển vọng gia hạn hợp đồng thuê các căn cứ này.
Nhiều quân nhân Mỹ cũng khốn đốn ở các nước như Đức, Hàn Quốc, Nicaragua, Panama, Thổ Nhĩ Kỳ, Kenya, Zaire và những nước khác.
“Tôi rất tức giận khi họ cáo buộc Mỹ tạo ra virus AIDS, bởi vì tôi biết nó sẽ trở thành công cụ chống lại chúng tôi hiệu quả như thế nào. Nó khiến tôi vô cùng tức giận. Việc họ nghĩ Mỹ tạo ra AIDS làm tổn hại đến hình tượng về nước Mỹ, không chỉ với tư cách là một nền văn hóa, mà nó ảnh hưởng đến mọi chính sách của chúng tôi”, Kathleen C. Bailey, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ và là thành viên của The Truth Squad vào thời điểm đó, nói.
Năm 1987, Bailey tổ chức một cuộc họp báo tại bộ Ngoại giao, nơi bà trình bày một báo cáo chi tiết những nỗ lực của KGB trong việc truyền bá câu chuyện AIDS và liên kết nó với Chính phủ Mỹ.
“Hình ảnh của Mỹ ở nước ngoài bị tổn hại và chính sách đối ngoại của Mỹ trở nên phức tạp bởi những thông tin sai lệch. Nguồn gốc chính của thông tin sai lệch về Mỹ ở nước ngoài là do Liên Xô”, Bailey cáo buộc.
Bất ngờ thay, những nỗ lực giải oan của Bailey cũng được cộng đồng y tế Liên Xô ủng hộ một cách vô tình. Nhà khoa học Liên Xô Viktor M. Zhdanov, người đứng đầu Viện Virus học Ivanovsky ở Moscow, đã tham dự các hội nghị quốc tế và trả lời phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nơi ông luôn phủ nhận bệnh AIDS là do con người tạo ra.
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn phẩm New Time của Liên Xô, Zhdanov nói: “Tôi phải nói với sự tiếc nuối rằng đây hầu hết là quan điểm của những người không chuyên. Virus AIDS xuất hiện một cách tự nhiên và dường như đang trải qua quá trình tiến hóa nhanh chóng”.
Link nội dung: https://saigoneconomy.net/giai-mat-chien-dich-infektion-cua-kgb-va-nhung-doc-chieu-nham-vao-lau-nam-goc-a70235.html