Được tham gia lớp tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2020 và lớp tập huấn về nâng cao năng lực, vai trò của Hội Luật gia các cấp về BVMT và giám sát xã hội do Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, cán bộ, hội viên Chi hội Luật gia phường Bưởi đã tiên phong, tích cực, thực hiện thí điểm mô hình giám sát của nhân dân về bảo vệ môi trường.
Để hiểu rõ hơn về những khó khăn, thách thức cũng như các kết quả đã đạt được khi thực hiện thí điểm mô hình này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Thúy Nga - Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy phường Bưởi, Ủy viên thường vụ Hội Luật gia quận Tây Hồ, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Là nhiệm vụ, trách nhiệm mỗi người dân
NĐT: Vấn đề môi trường trong đó có chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh… luôn là vấn đề nóng nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Với việc thực hiện thí điểm mô hình giám sát của nhân dân về bảo vệ môi trường tại cơ sở phường Bưởi có ý nghĩa như thế nào trong việc giảm tải các loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thải ra môi trường?
Bà Phan Thị Thúy Nga: Điều quan trọng là ý thức người dân thay đổi, nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ, trách nhiệm của cá nhân và mỗi hộ gia đình. Từ cộng đồng dân cư làm tốt được việc phân loại chất thải sinh hoạt rắn từ hộ gia đình thì sẽ giúp cho các cơ quan chức năng thực hiện theo đúng quy định của luật một cách hiệu quả nhất.
NĐT: Được biết Hội Luật gia Hà Nội thành lập Tổ tuyên truyền giám sát thực hiện thí điểm mô hình giám sát của nhân dân về bảo vệ môi trường tại cơ sở phường Bưởi, quận Tây Hồ. Xin bà cho biết việc thực hiện mô hình này đến nay đã được triển khai như thế nào, thưa bà?
Bà Phan Thị Thúy Nga: Với mô hình thí điểm tuyên truyền và phổ biến pháp luật về môi trường năm 2020, cũng như thực hiện giám sát tại nguồn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, chúng tôi đã chủ động phối hợp cùng UBND phường và Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, cấp ủy chi bộ, cán bộ tổ dân phố, chi hội phụ nữ tổ dân phố 13 và Công ty Cổ phần xử lý chất thải và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội làm tốt công tác tham mưu, triển khai tổ chức thực hiện các bước một cách thận trọng, bài bản và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như:
Tham mưu với Đảng ủy đưa vào Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tuyên truyền phổ biến luật bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 và thực hiện giám sát xã hội từ tháng 4/2022 đến tháng 9/2022.
Tiếp đó, tham mưu với Hội Luật gia Thành phố ban hành Kế hoạch số 40 ngày 4/4/2022 về nâng cao năng lực, vai trò cán bộ, hội viên các cấp Hội luật gia trong công tác BVMT và thực hiện quy trình giám sát của nhân dân về BVMT tại cơ sở và Quyết định số 42 ngày 4/4/2022 về thành lập tổ tuyên truyền, giám sát thực hiện thí điểm Mô hình giám sát của Nhân dân về BVMT tại phường Bưởi, quận Tây Hồ với 24 thành viên.
Từ kế hoạch trên, Chi hội luật gia phối hợp với UBND phường xây dựng kế hoạch số 130 ngày 28/6/2022 về thực hiện thí điểm tuyên truyền, vận động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và giám sát xã hội.
Trên cơ sở đó, chúng tôi tiếp tục tham mưu, phối hợp với Hội Luật gia quận tổ chức hội nghị tọa đàm về “Đánh giá thực trạng tham gia của người dân và vai trò của tổ chức xã hội trong công tác giám sát việc thực thi pháp luật về Bảo vệ Môi trường trên địa bàn quận Tây Hồ” tổ chức tại phường Bưởi với sự tham gia của gần 100 đại biểu.
Chi hội luật gia phối hợp với UBND phường tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định 45 của Chính phủ, mời Báo cáo viên là Chuyên gia cao cấp về Môi trường về Tuyên truyền, phổ biến Luật, Nghị định và hướng dẫn cách thức thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn...
Bên cạnh đó, Chi hội Luật gia đã vận động kinh phí mua túi ni lông, hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân túi đựng chất thải theo 3 màu, cụ thể: túi màu trắng đựng chất thải thực phẩm, túi màu vàng đựng chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; túi màu đen đựng chất thải rắn khác. Đồng thời, đã bố trí các thùng đựng chất thải để phục vụ các hộ gia đình, cá nhân do điều kiện công tác, hoặc vắng nhà từ 17h-18h hàng ngày có nơi để bỏ chất thải...
NĐT: Thưa bà, việc triển khai tuyên truyền pháp luật, bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư trên địa bàn phường có gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì hay không?
Bà Phan Thị Thúy Nga: Cơ bản chi hội Luật gia, UBND phường và các đơn vị liên quan tham gia thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật BVMT không gặp khó khăn gì bởi việc thực hiện luôn có sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp của chính quyền, đoàn thể, của các cấp ủy chi bộ, cán bộ tổ dân phố và sự ủng hộ của các hộ gia đình, cá nhân. Do vậy, việc tuyên truyền luật BVMT luôn thuận lợi, hiệu quả.
NĐT: Bà có thể chia sẻ những kỷ niệm cùng với các đồng nghiệp trong quá trình triển khai tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư?
Bà Phan Thị Thúy Nga: Luật BVMT 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và thời gian cho các hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt được quy đinh đến cuối năm 2024 và bắt đầu thực hiện việc xử phạt hành chính từ đầu năm 2025, Nghị định 45/2022 quy định xử phạt hành chính về vi phạm môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.
Do vậy việc tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ và nhân dân là việc làm thiết thực, cần thiết để các hộ gia đình, cá nhân nhất là khu vực thực hiện thí điểm hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc, đây là việc khó vì có rất ít đơn vị đã thực hiện, xong kết quả chưa đạt yêu cầu.
Chúng tôi xác định rõ nhiệm vụ được giao, nói đi đôi với làm, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phải mang lại kết quả. Do vậy, chúng tôi luôn động viên nhau cần phải cố gắng, trách nhiệm và kiên trì tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân đến khi nào hiểu rõ và thực hiện tốt, lúc đó chúng ta mới hoàn thành nhiệm vụ, có hôm trời mưa rất to nhưng chúng tôi không nề hà mà trực tiếp xuống tận nơi để giám sát.
Hàng ngày các nhóm được phân công giám sát việc thực hiện tại các hộ gia đình, cá nhân đã có mặt đầy đủ để theo dõi, nhắc nhở các hộ gia đình, cá nhân thực hiện chưa tốt không kể ngày mưa to, ngày nắng
Với các biện pháp, cách làm thiết thực, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đến nay các hộ gia đình, cá nhân cơ bản đã hiểu rõ mục đích, yêu cầu và trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường nên thực hiện tốt.
Nâng cao sức khỏe của người dân
NĐT: Việc thực hiện thí điểm mô hình này, phía chi hội luật gia phường đã có các hình thức tuyên truyền ra sao để người dân hiểu và nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình?
Bà Phan Thị Thúy Nga: Chúng tôi xây dựng các bài tuyên truyền về Luật BVMT 2020 với nội dung ngắn gọn, xúc tích để cán bộ, công chức, hộ gia đình, người dân dễ hiểu, dễ thực hiện.
Tổ chức các hội nghị tuyên truyền về Luật BVMT, Nghị định 45 của Chính phủ tới các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội, công chức, tổ dân phố, chi hội đoàn thể hiểu rõ để chỉ đạo, tuyên truyền, vận động hộ gia đình, cá nhân thực hiện.
Tuyên truyền qua loa truyền thanh phường, qua căng treo băng rôn hưởng ứng các ngày lễ môi trường tại các trục đường chính, điểm đông người qua lại. Tổ chức ra quân hưởng ứng các chiến dịch BVMT. Tuyên truyền qua zalo của chi bộ, tổ dân phố, các đoàn thể đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Tổ chức tập huấn về Luật BVMT 2020, hướng dẫn cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm nâng cao kiến thức cho hộ gia đình, cá nhân hiểu rõ để thực hiện; đồng thời, khuyến khích người dân tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
NĐT: Theo bà, việc tuyên truyền pháp luật và giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư có ý nghĩa đặc biệt như thế nào?
Bà Phan Thị Thúy Nga: Ý nghĩa đặc biệt là tuyên truyền phổ biến đầy đủ nội dung của Luật BVMT nhằm giúp cộng đồng dân cư hiểu sâu sắc về ý nghĩa, mục tiêu của Luật, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ pháp luật về BVMT.
Khi cộng đồng dân cư thực hiện tốt Luật BVMT chính là giảm thiểu tác hại, ô nhiễm của môi trường mang lại môi trường trong lành sạch, đẹp, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng dân cư.
NĐT: Dự kiến, trong thời gian tới Chi Hội Luật gia cơ sở sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ về tuyên truyền pháp luật bảo vệ môi trường như thế nào?
Bà Phan Thị Thúy Nga: Để đưa Luật BVMT 2020 vào cuộc sống, Chi hội tiếp tục phối hợp với UBND phường và các đoàn thể, cán bộ cơ sở tăng cường đẩy mạnh các hình thức, biện pháp tuyên truyền quán triệt, phổ biến Luật BVMT 2020 đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn hiểu rõ để thực hiện tốt.
Chủ động xây dựng báo cáo đánh giá kết quả thực hiện việc thí điểm tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT và giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn báo cáo với Đảng ủy, các cấp hội luật gia. Đồng thời, tổ chức hội nghị tổng kết việc thí điểm và đề xuất Hội đồng thi đua khen thưởng phường biểu dương, khen thưởng các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tại ngõ 8, ngõ 10 có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật BVMT 2020.
Tôi tin tưởng với nhiều chính sách mới mang tính đột phá, Luật BVMT năm 2020 được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới, sẽ tạo bước tiến lớn trong công tác BVMT, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho nhân dân.
Ông Nguyễn Minh Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường Bưởi cho biết: “Lãnh đạo, công chức UBND phường rất tích cực, phối hợp với tổ tuyên truyền pháp luật BVMT và giám sát xã hội Chi hội Luật gia phường để thực hiện tốt Nghị quyết Đảng ủy và kế hoạch của Hội Luật gia Thành phố, Kế hoạch liên tịch số 130 ngày 28/6/2022 của UBND và Chi hội Luật gia phường đề ra. Đến nay, các hộ gia đình và cá nhân đã thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình theo khoản 1, Điều 75 Luật BVMT 2020 trong thời gian vừa qua”..
Hoàng Bích - Hữu Thắng
Link nội dung: https://saigoneconomy.net/ha-noi-nang-cao-y-thuc-nguoi-dan-tuan-thu-phap-luat-ve-bao-ve-moi-truong-a70324.html